Bây giờ, tôi giả sử rằng tất cả chúng ta đều có một bức tranh trong đầu về địa ngục. Thông thường, chúng ta thu thập nó từ một số trải nghiệm, trải nghiệm tồi tệ. Và tôi có thể nghĩ đến hai điều. Bất cứ khi nào tôi nghe thấy từ “địa ngục”, thì hai trải nghiệm khá gần đây trở lại trong tâm trí tôi.
1. Địa ngục_nơi tối tăm, kinh khủng, ảm đạm, u ám, đầy rẫy những điều xấu xa và tội ác

Lần đầu tiên là khoảng 5 năm trước. Tôi đã ở Hồng Kông cùng 1 người tên là Jackie Pullinger (Jackie Pullinger 1994 là 1 nhà truyền giáo Cơ Đốc người Anh, đã đến truyền giáo tại Hong Kong năm 1966, và đã đem ánh sáng cứu rỗi của Chúa Jesus đến cho vô số cuộc đời tăm tối ở đây). Tôi chắc nhiều người các bạn đã nghe về những trải nghiệm của cô ấy ở Cửu Long Trại Thành, Hong Kong (Cửu Long Trại Thành vốn là 1 pháo đài quân sự với thành lũy kiên cố, sau này người dân bắt đầu xây dựng nơi ở tại đây và nó trở thành nơi đông dân nhất thế giới. Thành phố này nằm dưới sự kiểm soát của băng đảng xã hội đen, và pháp luật Hồng Kông không thể đụng tới). Cô ấy đã đưa tôi đến Cửu Long Trại Thành.
Điều ngạc nhiên đầu tiên là không có bức tường thành nào. Tôi đã tưởng tượng ra bức tường đá lớn bao quanh này, nhưng nó đã bị người Nhật phá bỏ trong chiến tranh và ném xuống bến cảng để làm đường băng cho máy bay. Và khi bạn hạ cánh trên 1 chiếc máy bay phản lực, thì bạn đang đáp xuống bức tường của thành phố ấy.
Nhưng Cửu Long Trại Thành thì vẫn còn đó, và đó là một khối những ngôi nhà tồi tàn, cao 15 đến 20 tầng lầu, chồng chất lên nhau. Và thành phố đó là một phần nhỏ của Hồng Kông mà không thuộc sở hữu của Anh. Nó không thuộc sở hữu của bất kỳ ai. Do đó, trong thành phố nhỏ bé đó, chưa bằng 10 lần diện tích căn phòng này, không có luật pháp, không có cảnh sát, bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn thích trong thành phố đó.
Và bạn có thể tưởng tượng rằng tội phạm và tội ác phát triển mạnh mẽ ra sao. Đó là nơi hội Tam hoàng có trụ sở chính, nơi sinh sống của bọn ma cô và gái mại dâm, nơi sinh sống của những kẻ buôn bán ma túy. Nơi đó không được đụng đến. Tôi thấy nó đã bị di dời trước khi Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc, và bạn đi qua lối vào nhỏ ấy, và bên trong nơi này rất tối.
Nếu bạn đến thăm ai đó trên tầng cao nhất, bạn leo lên qua phòng của những người khác để đến đó. Và rác rưởi, nước cống, lũ chuột – không thể tả nổi. Căn phòng sáng sủa duy nhất ở đó nằm ngay giữa tầng trệt. Đó là căn phòng nơi Jackie Pullinger cầu nguyện cho những người nghiện ma túy. Cô ấy là một quý cô tuyệt vời. Khi tôi bước ra ánh sáng mặt trời sau khi ở trong cái nơi tối tăm, kinh khủng, ảm đạm, u ám, đầy rẫy những điều xấu xa và tội ác ấy, thì theo bản năng, tôi nói rằng: “Tôi vừa ở địa ngục”.
2. Địa ngục_nơi tra tấn tàn nhẫn, ngột ngạt

Đó là khoảng 5 năm trước. Nhưng khoảng 2 năm trước, tôi gặp phải chuyện tồi tệ hơn. Tôi đã ở Ba Lan và đã đến một nơi được gọi là Oswiecim, mà bạn có thể biết đến với cái tên Auschwitz. Đó là tên tiếng Đức của Oswiecim – tiếng Ba Lan. Và ở đó, tôi đã đến và đứng trong một buồng hơi ngạt, nhỏ hơn nhiều so với căn phòng này và không có cửa sổ.
Nó có hai cánh cửa, một ở đầu này, một ở đầu kia. Có những thứ trông giống như vòi hoa sen trên trần nhà, nhưng thông qua những chiếc vòi hoa sen đó đã tạo ra khí Zyklon B chết người đó, đã khiến hàng triệu người chết. (Zyklon B là tên thương mại của một loại thuốc trừ sâu xyanua dựa trên phát minh của người Đức năm 1920. Nó là chất kịch độc được Đức Quốc Xã sử dụng để thảm sát tù nhân số lượng lớn và ít tốn kém chi phí).
Chúng ép những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vào phòng đó. 250 người một lúc, và họ gần như không thể di chuyển. Chúng bảo họ vào đó để tắm, vì vậy họ để quần áo bên ngoài và sau đó họ bị bơm hơi ngạt. Sau đó chúng cắt tóc họ để nhồi gối, dùng kìm rút vàng ra khỏi răng họ. Nếu có hình xăm trên da, chúng cẩn thận lấy ra để làm cái chụp đèn. Chúng nấu chảy chất béo của họ để làm xà phòng, sau đó đốt xác họ thành tro và bán làm phân bón.
Và từ khi vào trại cho đến khi được bán đi làm phân bón mất 1 tiếng rưỡi. Tôi đứng một mình trong buồng chứa, tôi cảm giác như thể đang ở địa ngục. Thú vị là, tôi vừa đọc báo tuần trước, và Công chúa Anne đã từng đến Auschwitz, và đó cũng là tiêu đề của bài báo: “Công chúa trong địa ngục”.
3. Chúa Giê xu nói gì về địa ngục trong Kinh Thánh
Chà, tất cả chúng ta đều có những hình ảnh, trải nghiệm của riêng mình, nhưng không gì trong số đó thực sự giống như bức tranh mà Chúa Giêsu đã cho chúng ta. Hãy đến với Chúa Giêsu. Ngài nghĩ về địa ngục như thế nào?
3.1 Thung lũng của rác thải

Câu trả lời thực sự khá đơn giản. Ngài nghĩ về địa ngục như một bãi rác. Một bãi rác. Ngài luôn gọi nó là Gê-he-na (địa ngục, hồ lửa). Và đó là tiếng Do Thái cho thung lũng Hinnom. (Từ “Ghê-hen-na” có nghĩa đen là “trũng Hi-nôm”, một trũng bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Vào thời Kinh Thánh, cư dân của thành dùng trũng này làm chỗ đổ rác. Họ giữ cho lửa cháy liên tục để thiêu hủy rác thải; những thứ mà lửa không lan tới thì sẽ bị dòi bọ phân hủy. Chúa Giê-su dùng theo ý nghĩa nầy trong Ma-thi-ơ 5:29; 10:28; 23:15; Mác 9:43; Lu-ca 12:5)
Đó là một thung lũng thực sự. Nó nằm ngay bên ngoài thành phố Jerusalem, nhưng khách du lịch không bao giờ nhìn thấy nó. Một lý do là vì nó quá sâu. Và khi bạn ở trong thành phố, thành phố cổ của Jerusalem, bạn sẽ không biết đến thung lũng. Bạn phải đi ra khỏi cửa Nam và nhìn xuống để xem nó. Nó ở ngay dưới đó, rất sâu, và tối đến mức mặt trời không chạm xuống một phần của đáy thung lũng đó.
Và khi tôi đến Israel lần đầu tiên vào năm 1961, thung lũng đó vẫn được sử dụng cho mục đích giống như trong thời của Chúa Giêsu. Khói bốc lên từ nó, và tôi nhìn xuống, dưới đó là tất cả những thứ rác rưởi từ thành phố bị thiêu hủy. Và ở dưới đó, tôi đã đi xuống thung lũng, thức ăn ôi thiu ở đó và giòi bọ ở đó. Đó chính là bức tranh về địa ngục, và Chúa Giê-su nói rằng: “Nơi ngọn lửa không bao giờ tắt và những con sâu không bao giờ chết”.
Vậy đó là Gê-he-na, thung lũng đó. Giờ không thể nhìn thấy nó nữa rồi, nó đã được cải tạo. Bây giờ nó là một công viên công cộng trong một thung lũng xinh đẹp, nhưng bạn vẫn có thể đi và dạo quanh nó, nó nằm ngay bên ngoài thành phố. Và cánh cửa trên bức tường phía Nam cũng có 1 ý nghĩa quan trọng, nó gọi là Cửa Phân (Nê 2:13, 3:14).
3.2 Thung lũng Hinnom_nơi mọi thứ vô dụng bị ném đi, nơi mọi thứ bẩn thỉu bị ném, bị loại bỏ
Và bạn có thể đoán tại sao. Đó là nơi họ lấy tất cả chất thải và đổ nó vào thung lũng. Tất cả rác thải đổ xuống đó và lửa luôn cháy để tiêu hủy. Đó là ý nghĩa của nó, nhưng rất lâu trước đó trong thời Cực Ước, ở thung lũng đó có một số bè phái rất độc ác. Chính dưới đáy thung lũng đó, dân Israel của Đức Chúa Trời đã tôn thờ một thần ngoại bang kinh khủng không có thật, được gọi là Mô-lóc.
Và thần Mô-lóc này yêu cầu hiến tế con người, và ở dưới đáy thung lũng đó, họ thiêu sống những đứa trẻ của chính mình cho Mô-lóc. Nếu bạn đọc Giê-rê-mi, Giê-rê-mi nói thung lũng này sẽ được gọi là thung lũng hoang vu. Và từ đó nó trở thành bãi rác của thành phố, một nơi kinh khủng. Giờ ở đó cũng có một số sự liên quan khác. Một tội phạm bị đóng đinh sẽ không bao giờ được chôn cất. Thi thể của người đó được đưa ra khỏi thập tự giá và ném vào thung lũng Gehenna, để giòi bọ ăn và chim trời đến rỉa.
Điều này cũng đã có thể xảy ra với Chúa Jesus của chúng ta, nếu Giô-sép người A-ri-ma-thê không đến và nói: “Hãy dùng mộ của tôi”. Vì Giô-sép nên Chúa Jesus đã không kết thúc ở Gê-he-na. Một trong số 12 sứ đồ đã kết thúc ở đó. Giu-đa đã treo cổ tự tử. Hắn treo một sợi dây lên một cái cây trên đỉnh vách đá, nhìn ra thung lũng Hinnom, và hắn treo mình lên, sợi dây bị đứt, thân thể hắn rơi xuống.
Và Kinh Thánh nói, bằng nghĩa đen: “Ruột hắn đổ ra ngoài”, khi hắn rơi xuống đáy. Nó đã được gọi là “ruộng huyết”. (Akeldama – ruộng huyết, nơi Giu-đa chết, nằm ở dốc mặt nam trong thung lũng Hi-nôm, trên 1 miếng đất bằng phẳng và hẹp). Và nếu bạn hỏi hướng dẫn viên người Israel, họ sẽ chỉ cho bạn ruộng huyết ấy. Đó là thung lũng mà chúng ta đang nói đến.
Thung lũng nơi mọi thứ rác rưởi bị ném đi, nơi mọi thứ vô dụng bị ném đi, nơi mọi thứ bẩn thỉu bị ném, bị loại bỏ. Chúa Giê-su nói, nếu muốn có một bức tranh về địa ngục, chỉ cần đi ra khỏi cửa Nam và nhìn xuống. “Đó là quan niệm của Ta về địa ngục”.
Nó chiếu ánh sáng sống động cho từ “hư mất”, bởi vì “hư mất” không có nghĩa là không còn tồn tại. Nó có nghĩa là không còn hữu ích. Nếu bạn có một bình nước nóng bị hỏng hoặc một cái săm ô tô bị hỏng, nó có không còn tồn tại không? Không, nó vẫn trông giống như một bình nước nóng. Vấn đề duy nhất là bạn không thể sử dụng nó như một bình nước nóng, bởi vì nó đã bị hỏng, và đó là nghĩa đen của từ “hư mất” trong Kinh thánh.
Đôi Nét Về Diễn Giả
J. David Pawson (1930-2020) là mục sư, tác giả và giáo sư Kinh thánh người Anh. Từng là mục sư hệ phái Giám Lý (Methodist), sau đó là mục sư của hội thánh Báp-tít có tên Gold Hill Baptist Church tại Buckinghamshire.
Hội thánh này đã trở thành một trong những hội thánh Báp-tít lớn nhất tại Anh. Cũng trong thời gian phục vụ tại đây, các đĩa thu âm bài giảng của ông, ban đầu chủ yếu dành cho các thành viên đau ốm hoặc lớn tuổi của hội thánh, đã nhanh chóng được biết đến tại nhiều nơi.
Từ năm 1979, David Pawson ngưng làm mục sư địa phương và tham gia vào mục vụ dạy Kinh thánh lưu động. Các hội thảo của ông chủ yếu dành cho các lãnh đạo hội thánh.
Hàng triệu bản sách và băng đĩa của ông đã được phát hành tại hơn 120 quốc gia. Ông là một tác giả và diễn giả giảng dạy rõ ràng, sốt sắng, luôn đề cao sự trung thành với Kinh Thánh.
⇒ Nội dung video được cho phép sử dụng bởi Sứ Điệp Tỉnh Thức
Bài viết liên quan: